Voyager Digital đã nộp đơn chính thức xin phá sản sau sự cố liên quan đến khoản nợ không thể thu hồi lại được từ Three Arrows Capital (3AC) lên tới 670 triệu USD.
Theo ghi nhận của Fiahub, vào thứ Tư (06/7/2022), Voyager Digital cho biết họ đã nộp đơn xin phá sản. Động thái này diễn ra chỉ một tuần sau khi công ty cho vay tiền điện tử này tạm dừng việc rút tiền, giao dịch và gửi tiền vào nền tảng của mình. Thời điểm đó, Voyager Digital cho biết họ đang tìm kiếm thêm thời gian để khám phá các lựa chọn thay thế chiến lược cho công ty.
Trong hồ sơ phá sản theo Chương 11, công ty Voyager có trụ sở tại New Jersey ước tính rằng họ có hơn 100,000 chủ nợ và tài sản từ 1 tỷ đến 10 tỷ USD, và các khoản nợ có giá trị tương đương. Thủ tục phá sản theo Chương 11 này sẽ đình chỉ tất cả các vấn đề kiện tụng dân sự và cho phép các công ty chuẩn bị các kế hoạch xoay vòng trong khi vẫn hoạt động.
Đây được xem như là hệ quả tất yếu của sự biến động và lây lan kéo dài trong thị trường tiền điện tử trong vài tháng qua và việc Three Arrows Capital vỡ nợ khi vay từ Voyager Digital. Vào tuần trước, Voyager cho biết họ đã đưa ra thông báo vỡ nợ cho quỹ đầu cơ tiền điện tử Three Arrows Capital (3AC) có trụ sở tại Singapore vì không thực hiện các khoản thanh toán theo yêu cầu đối với khoản vay 15,250 Bitcoin (khoảng 324 triệu USD) và 350 triệu đô la USDC. Cuối tuần đó, 3AC đã đệ đơn phá sản theo Chương 15, cho phép các con nợ nước ngoài bảo vệ tài sản tại Hoa Kỳ.
Vào hôm thứ Tư, Voyager cho biết họ có hơn 110 triệu USD tiền mặt và sở hữu một số tài sản tiền điện tử nhất định. Thời gian đầu, Voyager dự định trả lương cho nhân viên theo cách thông thường và tiếp tục các lợi ích chính của họ và các chương trình khách hàng nhất định mà không bị gián đoạn. Voyager đã thông qua một khoảng hỗ trợ 500 triệu USD từ Alameda và họ đã sử dụng 75 triệu USD để giải quyết các vấn đề hiện tại. Tuy nhiên, có vẻ như số tiền đó đã không giúp họ gỡ rối được vấn đề và đưa công ty trở lại quỹ đạo hoạt động ổn định như trước đây.