TON Foundation, tổ chức đứng sau The Open Network (TON), vừa lên tiếng làm rõ về thông tin liên quan đến chương trình UAE Golden Visa sau những tranh cãi gần đây.
Theo bài đăng trên blog vào thứ Hai, TON Foundation nhấn mạnh rằng sáng kiến này đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và được thực hiện độc lập cùng một đối tác được cấp phép, không có sự chứng thực chính thức từ chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Tất cả các hoạt động liên quan đến chương trình này đều tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và quy định của UAE, đồng thời thẩm quyền cuối cùng thuộc về các cơ quan Chính phủ.
Trước đó, TON Foundation từng công bố kế hoạch cung cấp UAE Golden Visa (Thị thực Vàng UAE) với thời hạn 10 năm. Tuy nhiên thông báo này nhanh chóng bị phản hồi bởi các cơ quan quản lý UAE, bao gồm Cơ quan Liên bang về Nhận dạng (Federal Authority for Identity), Quyền công dân (Citizenship), Hải quan (Customs) và An ninh Cảng (Port Security), cùng Cơ quan Chứng khoán và Hàng hóa (Securities and Commodities Authority), và Cơ quan Quản lý Tài sản Ảo (Virtual Assets Regulatory Authority).
Các cơ quan này khẳng định rằng thị thực vàng không được cấp dựa trên việc sở hữu tài sản kỹ thuật số. Chỉ chưa đầy 48 giờ sau thông báo ban đầu, TON Foundation đã phải làm rõ rằng không có chương trình Thị thực Vàng nào được triển khai chính thức với chính phủ UAE.
Sự việc này thu hút sự chú ý lớn từ cộng đồng tiền điện tử, đặc biệt khi CEO Telegram Pavel Durov chia sẻ lại một bài đăng trên X về chương trình này. Cựu CEO Binance Changpeng “CZ” Zhao cũng bày tỏ nghi ngờ về tính hợp pháp của sáng kiến trước khi TON Foundation đưa ra tuyên bố làm rõ. Hiện tại, bài đăng của Durov vẫn còn tồn tại, nhưng chưa rõ liệu TON Foundation có thể hợp tác với Chính phủ UAE trong tương lai hay không?
Chương trình Thị thực Vàng của TON Foundation đề xuất yêu cầu đặt cược 100,000 USD bằng Toncoin (TON, giá 2.75 USD) để đủ điều kiện. Mức này thấp hơn đáng kể so với mức đầu tư tối thiểu 540,000 USD qua các kênh chính thức của UAE, thường yêu cầu đầu tư vào tài sản không thanh khoản. Điều này khiến sáng kiến trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư tiền điện tử, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tính khả thi và hợp pháp.
Các chương trình cư trú thông qua đầu tư không còn xa lạ. Chẳng hạn, tại Bồ Đào Nha, các nhà đầu tư sở hữu hơn 500,000 USD tài sản kỹ thuật số có thể xin quốc tịch qua Chương trình Giấy phép cư trú vàng (Golden Residence Permit Program). Ở Mỹ, chương trình “Thẻ Vàng” do Tổng thống Donald Trump công bố vào tháng 2 yêu cầu đầu tư từ 5 triệu USD để được cư trú hợp pháp, thu hút khoảng 70,000 người đăng ký tính đến ngày 17/6.
Sáng kiến của TON Foundation, dù đang ở giai đoạn sơ khai, cho thấy tiềm năng mở ra con đường cư trú mới cho các nhà đầu tư tiền điện tử. Tuy nhiên, với sự thận trọng từ phía UAE, cộng đồng cần chờ thêm thông tin chính thức để đánh giá tính khả thi của chương trình này.
Linh Bùi là một nhà sáng tạo nội dung, chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tài chính nói chung và tiền điện tử nói riêng. Với mong muốn chia sẻ các tuyến bài viết chuyên về kiến thức, cập nhật tin tức về thị trường tài chính tại Việt Nam và trên toàn cầu, Linh Bùi đã và đang tham gia với vai trò biên tập viên/người sáng tạo nội dung tại một số nền tảng, sàn giao dịch như Fiahub, BeInCrypto, Mitrade, Finixio, Dr.Localize… Trong mỗi bài viết của mình, Linh Bùi đều mong muốn đơn giản hóa các khái niệm tài chính liên quan, giảm thiểu rào cản gia nhập cho độc giả, đặc biệt là những người mới tham gia.